CHƯƠNG I: KIẾN THỨC CĂN BẢN
“Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá” ― Bruce Lee
KIẾN THỨC CĂN BẢN: XÂY DỰNG NỀN MÓNG
Trước khi chúng ta đi sâu vào từng công thức quảng cáo hiệu quả và tôi đưa cho bạn những biểu mẫu bạn cần, có một số “mẹo” viết lách bạn nên biết. Những “mẹo” này nếu được sử dụng kết hợp với quy trình viết quảng cáo của tôi, sẽ dễ dàng giúp bạn NHÂN ĐÔI tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng. Mặc dù tôi đã hoàn thành mọi thứ có thể để khiến cho quy trình viết trang bán hàng nhẹ nhàng hết mức bằng việc sẽ đưa cho bạn những biểu mẫu, những công thức, nhưng những mẹo này là cần thiết cho bạn. Luôn nhớ điều này: tỷ lệ chuyển đổi (sự thành công của bạn) sẽ phụ thuộc vào nội dung / từ ngữ bạn sử dụng để biến những công thức bạn học được ở đây thành một điều gì đó thúc đẩy khách hàng tiềm năng hành động.
Nếu những gì bạn viết ra tồi tệ giống như những kẻ nói chuyện buồn tẻ khác, bạn sẽ khiến khách hàng tiềm năng của mình buồn ngủ… cho dù công thức tôi đưa cho bạn có hiệu quả đến mức nào đi nữa. Hiểu chứ? Tốt. Tiếp tục nào.
Tin tốt là không cần phải tốn quá nhiều công sức để chuyển hóa một bài viết “buồn tẻ” thành một bài viết khiến người đọc tràn đầy cảm xúc, không muốn rời mắt và khiến họ bấm ngay vào nút mua hàng khi chạm đến điểm bùng phát. Nhân tiện đây, khi nói đến kỹ năng viết, ý tôi không phải là ngữ pháp và chính tả. Mà ý tôi là kỹ năng viết khiến khách hàng mua hàng. Thực tế thì sau khi bạn hoàn thành một thông điệp bán hàng thuyết phục, bạn cần kiểm tra lỗi
chính tả, kiểm tra ngữ pháp, dấu chấm, dấu phẩy xem đã đúng chưa. Cố gắng làm cho bài viết càng dễ đọc bao nhiêu, thì tỷ lệ mua hàng càng được đảm bảo bấy nhiêu.
Nếu không, bạn sẽ chỉ nhận được cực kỳ ít đơn hàng. Nhân tiện đây, có thể bạn sẽ hỏi: “Này Tầu, những thứ bạn dạy tôi ở đây có dùng được cho kịch bản video bán hàng không?”. Câu trả lời là: TẤT NHIÊN LÀ CÓ RỒI. Trong thực tế, những kỹ năng này thậm chí còn rất quan trọng khi bạn tạo ra những video bán hàng. Những kỹ năng này đảm bảo rằng người xem không thể nào tua nhanh video được, bởi vì họ sẽ muốn nghe từng từ bạn nói, như thể bị thôi miên vậy. Bạn hiểu chứ? Tốt. Hãy bắt đầu với nguyên tắc #1…
KIẾN THỨC CĂN BẢN RULE#1: VIẾT MÀ KHÔNG CẦN PHẢI DỪNG LẠI NGHĨ
Cảm ơn nhà trường, giáo viên và hệ thống giáo dục. Cảm ơn vì đã có những bài kiểm tra văn, ở đó chúng ta được yêu cầu phải thực hiện 2 nhiệm vụ cùng một lúc… trong khi thực tế thì 2 nhiệm vụ đó không thể nào làm đồng thời được. Bạn có biết 2 nhiệm vụ đó là gì không? Nếu bạn biết thì bạn đã giỏi hơn tôi rất nhiều rồi. Đùa thôi. Hãy để tôi nói cho bạn biết rõ hơn 2 nhiệm vụ quan trọng của việc viết lách. Trước khi xuất bản bất cứ một thông điệp bán hàng hoặc một bài viết nào, bạn phải thực hiện 2 nhiệm vụ này một cách riêng biệt, vào thời gian khác nhau để đảm bảo rằng chúng hiệu quả. Và 2 nhiệm vụ quan trọng đó là:
1. Viết
2. Sửa
Đó là 2 nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, và cần phải ở 2 trạng thái hoàn toàn khác nhau để thực hiện chúng hiệu quả. Ấy vậy mà ở trường học, chúng ta cần phải làm 2 nhiệm vụ đó cùng một lúc trong bài tập làm văn. Thật tuyệt.
Viết là một công việc sáng tạo, nó đòi hỏi tâm trí của bạn trong trạng thái “tuôn chảy” và để cho từ ngữ đi ra một cách tự nhiên từ tiềm thức. Sửa, đòi hỏi một tâm trí hoàn toàn ngược lại với sáng tạo, bạn cần phải tuân theo luật và phải cố gắng loại bỏ những từ “không” cần thiết. Không thể nào có được trạng thái “tuôn chảy” để viết, nếu như bạn liên tục bị ngắt quãng và nghĩ về việc chỉnh sửa từng từ, từng câu được. Đó là lý do tại sao trước đây, mỗi khi bạn phải viết một thông điệp quảng cáo nào đó… bạn viết những câu đầu tiên… sau đó bạn đọc lại những gì bạn vừa viết, nhưng bạn không thích nó. Thế rồi bạn chỉnh sửa, sau đó nghĩ ra từ ngữ tốt hơn… Rồi đọc, đọc, suy nghĩ. Không, từ này không phù hợp. Xóa. Xóa. Xóa. Xóa…. Và cuối cùng, kết quả bạn nhận được lại chính là nơi bạn bắt đầu. Không có bất cứ một câu nào được viết ra. Hơn nữa, bạn lại mất đi sự tự tin vào khả năng viết của mình. Làm 2 việc viết, sửa cùng một lúc sẽ giết chết khả năng sáng tạo của bạn, khiến bài viết của bạn trở nên ngu ngốc, buồn chán và không có sức sống. Vì vậy, để có được trạng thái “tuôn chảy”, hãy thực hiện 2 điều đơn giản sau:
1. Mặc kệ lỗi sai. Thậm chí nếu bạn nhận ra bạn vừa đánh máy hoặc viết sai chính tả, hoặc bạn vừa đặt sai dấu phẩy… bạn cần phải huấn luyện bản thân mình để có thể bỏ qua những lỗi đó. Điều này là khá khó khăn trong những lần đầu tiên, nhưng nó sẽ chuyển hóa cách viết của bạn và đưa tâm trí của bạn vào trạng thái “tuôn chảy” để viết hay hơn.
2. Viết NHANH. Hãy để tay bạn di chuyển thật nhanh, đánh máy nhanh, gần như bằng cách sử dụng tiềm thức vậy… và đừng sợ phải viết ra quá nhiều chữ không hợp với những gì bạn muốn nói, những thứ đó bạn sẽ chỉnh sửa sau. Như vậy sẽ làm bạn viết thông điệp bán hàng một cách dễ dàng hơn. Chỉ thế thôi. Chỉ với những kỹ năng này cũng sẽ khiến cho bạn viết thông điệp bán hàng hay hơn, đầy năng lượng, đam mê và nhiệt huyết hơn. Và tất nhiên, người đọc sẽ cảm nhận được những điều đó. Đây chính là chìa khóa để khiến cho khả năng viết quảng cáo của bạn được nâng cao… thậm chí ngay cả khi trước đó bạn không hề có một
chút tài năng viết lách nào.
KIẾN THỨC CĂN BẢN RULE#2: VIẾT ĐƠN GIẢN VÀ DỄ HIỂU
Khi khách hàng đọc bài viết bán hàng của bạn, bạn phải nhớ rằng có đến 1001 lý do và tác động ở xung quanh anh ta khiến anh ta không tập trung. Sự quan tâm của khách hàng không đặt hoàn toàn 100% ở website hay thư bán hàng của bạn, vì vậy bài viết của bạn PHẢI dễ đọc, dễ hiểu, và rõ ràng hết mức có thể… thậm chí có thể hiểu được ngay cả khi họ không chú ý 100%. Nếu bạn làm cho khách hàng tiềm năng bối rối, chỉ một lần thôi, bạn sẽ mất anh ta.
Hãy giữ điều đó trong tâm trí, bài viết của bạn cần phải rõ ràng và nói đúng điều muốn nói. Nói theo một cách khác, đến người ngốc nhất cũng có thể hiểu được. Để làm được điều đó, chỉ cần thực hiện 3 bước đơn giản sau đây:
1. Sử dụng từ ngắn, đơn giản, từ ngữ dễ hiểu. Điều này thực sự tạo ra sự khác biệt rất lớn. Nó thậm chí còn quan trọng hơn cả việc bạn dành một khoảng thời gian dài để thuyết minh về sản phẩm của mình.
2. Dùng câu ngắn. Mỗi một câu nên thể hiện duy nhất một ý. Nếu bạn cố gắng viết một câu quá dài, điều đó sẽ khiến khách hàng mệt mỏi, cảm thấy khó hiểu… và làm giảm tỷ lệ mua hàng của bạn. Như một nguyên tắc, không bao giờ viết một câu dài quá 3 dòng. Nếu bạn thấy một câu nào đó quá 3 dòng, đừng lo lắng… chỉ cần cứ tiếp tục viết. Đến khi chỉnh sửa, hãy nghĩ ra những câu ngắn hơn nhưng cũng mang ý nghĩa tương tự, hoặc chia nhỏ câu dài thành nhiều câu ngắn.
3. Đoạn ngắn. đoạn dài sẽ làm cho 99% người đọc chán nản. Đặc biệt trong môi trường online, nơi mà có rất nhiều phương tiện như video, audio… người đọc đã chán với việc đọc một đoạn văn dài như trong sách giáo trình đại học rồi.
Giữ cho đoạn văn của bạn ngắn. Ghi nhớ điều này, mỗi đoạn văn của bạn không nên vượt quá 3 – 4 câu. Đồng thời, hãy trình bày đoạn văn sao cho thật dễ nhìn, dùng viết nghiêng, gạch chân, bôi đậm để thực hiện việc đó. Hoặc viết một đoạn văn thật dễ hiểu. Giống như thế này. Bạn hiểu hết chưa? Thật không? Bạn ghi nhớ rồi chứ? OK. Bây giờ, hãy tiếp tục với nguyên tắc thứ #3…
KIẾN THỨC CĂN BẢN RULE #3: BIẾT KHÁCH HÀNG CỦA BẠN LÀ AI
Khách hàng tiềm năng của bạn thực sự muốn gì? Họ sợ điều gì? Điều gì khiến họ chán nản hoặc gặp vấn đề mỗi ngày? Họ đổ lỗi cho vấn đề nào của họ? Thông tin nhân khẩu học căn bản (tuổi, giới tính, thu nhập…) của họ? Cuộc sống của họ sẽ thay đổi như thế nào sau khi dùng sản phẩm mà bạn cung cấp? NOTE: Một khi bạn có những thông tin đó, hãy lấy một tờ giất trắng và trả lời những câu hỏi bên trên. Lấy câu trả lời, ví dụ “Trải nghiệm tồi tệ mà khách hàng của tôi gặp phải mỗi ngày”, sau đó viết một đoạn đơn giản cho mỗi câu trả lời và giải thích sản phẩm của bạn sẽ giúp họ vượt qua vấn đề đó như thế nào. Làm tương tự với các phần sau: Sản phẩm của bạn sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho họ? Tại sao sản phẩm của bạn lại hiệu quả với những nhóm người thuộc nhân khẩu học mà bạn nhắm tới? Tại sao sản phẩm của bạn sẽ giúp được họ vượt qua vấn đề mà họ đang gặp phải? Ví dụ, tôi sẽ viết thế này nếu tôi bán sản phẩm giảm cân: “Bằng việc sử dụng công thức khỏe mạnh tự nhiên này, bạn sẽ có khả năng gạt bỏ ngay lập tức những loại thuốc đắt tiền nhưng không hiệu quả mà bạn đang sử dụng.
Đoán xem, điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền, thậm chí, bạn không phải đối mặt với nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc.” Nếu bạn không có những thông tin đó TRƯỚC KHI bạn bắt đầu viết, và nếu câu tiêu đề cùng với đoạn mở đầu thông điệp bán hàng của bạn không dựa trên những nghiên cứu đó, sẽ KHÔNG CÓ cách nào để bạn thu hút được sự chú ý của họ… hoặc không thể bán được hàng. Những thông tin đó cũng là nền tảng về nội dung cho trang bán hàng của bạn, thậm chí nó còn là một mẫu thông điệp được viết sẵn cho bạn trước khi bạn bắt đầu. Bạn cần phải viết tất cả những thông tin đó ra theo dạng danh sách và đọc chúng ít nhất hai đến ba lần trước khi bạn làm bất cứ điều gì trong quy trình viết. Đồng thời, hãy luôn giữ và bám theo những thông tin đó trong toàn bộ bài viết của bạn. Thậm chí nếu bạn có khả năng viết một thông điệp bán hàng tuyệt vời, và dùng tất cả những công thức, biểu mẫu hiệu quả mà tôi sẽ dạy bạn… thì thông điệp đó cũng sẽ KHÔNG HIỆU QUẢ nếu bạn không làm theo quy trình trên để hiểu rõ khách hàng. Tôi biết việc dành thời gian để nghiên cứu sẽ rất tẻ nhạt, nhưng một khi bạn đã nghiên cứu rõ ràng đối tượng cần nhắm tới, công việc viết lách sẽ chỉ còn lại 40%. Và hơn nữa, bạn sẽ sở hữu một thông điệp bán hàng thực sự… BÁN ĐƯỢC HÀNG.
Tôi đã từng viết quảng cáo cho một trang web để thu thập thông tin khách hàng tiềm năng. Sau khi thử nghiệm khoảng 500 lượt truy cập, tôi bắt tay vào viết lại, và thông điệp chỉ nhắm đến đối tượng để lại thông tin nhiều nhất trong 500 lượt truy cập đó. Bạn biết không, tỷ lệ để lại thông tin cho tôi tăng lên gấp hai lần (chắc chắn rồi, điều đó khiến cho thu nhập của tôi tăng lên…) Hãy đảm bảo rằng bạn hoàn thành bước này trước khi bắt đầu viết thông điệp bán hàng của bạn. Như bạn có thể thấy, trong công việc của mình, tôi thường dùng công thức có sẵn cho gần như tất cả mọi thứ. Tôi có công thức cho việc viết trang bán hàng, viết email, viết kịch bản video… Bất kể là gì. Ngay bây giờ, tôi muốn bạn nắm được ý tưởng của việc sử dụng công thức có sẵn… để đến khi tôi đưa cho bạn công thức, bạn sẽ biết ứng dụng chúng một cách hiệu quả nhất cho tất cả những thông điệp bán hàng mà bạn viết. Trước khi đi vào từng công thức, hãy cùng nhau bàn về sự bế tắc khi viết. Sự bế tắc xảy ra khi bạn bắt đầu một dự án mới hoặc bạn bế tắc ở một điểm nào đó, và không biết tiếp theo sẽ phải viết gì. Tôi sẽ giải quyết cả hai vấn đề đó. Đầu tiên, vấn đề chính là việc bạn bắt đầu viết từ đầu với một trang giấy trắng mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Đáng lẽ ra, bạn không nên…. bắt đầu từ tay trắng… Bạn lẽ ra phải luôn có sẵn bảng nghiên cứu đã chuẩn bị ở bước trước. Nó sẽ cho bạn rất nhiều ý tưởng và thông tin để bắt đầu. Đồng thời, khi viết trang bán hàng, bạn phải luôn luôn thống nhất thông điệp với những gì bạn đang quảng cáo
KIẾN THỨC CĂN BẢN:SỬ DỤNG CÔNG THỨC – CÁCH DỄ DÀNG ĐỂ VIẾT THẬM CHÍ NGAY CẢ KHI BẠN KHÔNG BIẾT VIẾT GÌ
Kết hợp những gì đã nghiên cứu về khách hàng với những công thức viết tiêu đề hiệu quả mà tôi sắp hướng dẫn bạn sẽ giúp bạn có được tiêu đề tuyệt vời cho thông điệp bán hàng. Khi bạn đã có bước đi đầu tiên đó, trạng thái “tuôn chảy” bắt đầu được kích hoạt. Trong câu đầu tiên sau tiêu đề, bạn đơn giản chỉ cần giải thích rõ ý nghĩa của tiêu đề và lợi ích họ nhận được một khi họ sử dụng sản phẩm (tôi sẽ đưa cho bạn công thức), và rồi… lại tiếp tục sử dụng công thức tôi đưa cho bạn để khiến cho quy trình viết thông điệp bán hàng gần như tự động. Nhưng nếu tôi bị bế tắc thì sao? Khi viết lách bình thường (không sử dụng công thức), não của bạn sẽ có đôi lúc thoát ra khỏi trạng thái “tuôn chảy” trong một khoảng thời gian.
Điều đó có nghĩa là bạn có thể nằm ngoài trạng thái “tuôn chảy” trong một giờ, một ngày, một tuần, hoặc cũng có thể là một tháng. Nó dẫn bạn đến trạng thái không biết bước tiếp theo phải làm gì hoặc viết tiếp điều gì. Tình huống đó sẽ không thể nào xảy ra nếu bạn sử dụng công thức có sẵn. Tại sao? Bởi vì bạn luôn luôn biết tiếp theo phải nói gì, bạn cứ thế tự nhiên viết các bước tiếp theo cấu trúc mà tôi đã vẽ ra cho bạn. Thậm chí nếu bạn “gặp bế tắc” trong bất kỳ giai đoạn nào… tất cả những điều bạn cần làm là bỏ qua giai đoạn đó (tạm thời), và chuyển đến phần tiếp theo. Thường thì, bằng việc bỏ qua giai đoạn đó và tiếp tục viết, một ý tưởng tuyệt vời sẽ xuất hiện và bạn sẽ hoàn thành được giai đoạn vừa bỏ qua. Tại Sao Hầu Hết Mọi Người HOÀN TOÀN Phát Điên Khi Sử Dụng Công Thức Có Sẵn? Công thức không phải là một nguyên tắc hay luật lệ nào cả, hãy ghi nhớ điều đó. Tôi thích nghĩ về những công thức giống như là “bộ khung linh hoạt” , điều đó có nghĩa là chúng có thể thay đổi đôi chút, và nếu phần nào không phù hợp với những gì bạn đang bán… HÃY BỎ NÓ ĐI.
Tôi đã thấy rất nhiều người ngượng nghịu sử dụng công thức một cách máy móc để rồi làm hỏng cả một thông điệp bán hàng. Vì thế, đừng làm giống họ. Nếu bất cứ phần nào trong công thức mà tôi hướng dẫn bạn không phù hợp, hãy mạnh dạn bỏ qua. Bây giờ khi bạn đã có nền tảng để viết quảng cáo hiệu quả, hãy sẵn sàng để bắt đầu với những công thức có sẵn tôi chuẩn bị đưa cho bạn ở Chương #2